Xuất khẩu trực tuyến chưa đủ “sức hút”

(HQ Online)- Phương thức XK trực tuyến vẫn chưa được các DN quan tâm nhiều bởi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cơ hội cho các DN dệt may Việt Nam có thể bán hàng qua mạng, trong đó có kênh amazon rất lớn. Ảnh: Phan Thu.

Rủi ro khi không biết về đối tác

Song song với việc tiếp cận ngày càng tăng các dịch vụ công trực tuyến như hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử…, các DN đã tích cực sử dụng mạng internet để trao đổi thông tin kinh doanh với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm bạn hàng, giao kết và triển khai hợp đồng. Theo báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2017, nhiều DN Việt Nam đã ứng dụng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ XNK theo cả mô hình DN tới DN (B2B) cũng như DN tới người tiêu dùng (B2C).

Nói về lợi ích của mô hình kinh doanh này, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, môi trường trực tuyến, đặc biệt các sàn thương mại điện tử, kênh thông tin khác trên mạng giúp DN tiếp cận đối tác nước ngoài, quảng bá được DN, sản phẩm của mình. Không chỉ vậy, XK trực tuyến giúp DN giảm được chi phí như thời gian, nhân lực, nhất là những khoản chi phí không chính thức lâu nay đang là nỗi ám ảnh của DN. Bởi theo ông Hưng, DN muốn XK phải có sự liên kết với rất nhiều cơ quan khác nhau như hải quan, chứng nhận xuất xứ, kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá…. Những chi phí này không hề nhỏ.

Ví dụ như với mặt hàng dệt may, ông Andre Aslund, Giám đốc điều hành kinh doanh Công ty Vorwärts (Cộng hòa liên bang Đức) đánh giá, cơ hội cho các DN dệt may Việt Nam có thể bán hàng qua kênh amazon rất lớn bởi có tới 76% người dùng sử dụng điện thoại di động để mua sắm qua kênh điện tử, 50% người sử dụng di động sử dụng kênh amazon. Thông lệ cho thấy, nhiều DN Việt Nam và các DN châu Á thường bán sản phẩm qua trung gian hoặc đại lý sang thị trường các nước EU. Nhưng nếu thâm nhập được qua kênh amazon thì DN có thể cắt giảm được khâu trung gian này, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng dệt may.

Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ về XK qua mạng cũng như hình thức này còn tiềm ẩn rủi ro nên DN vẫn chưa mặn mà. Theo ông Hưng, do làm việc trên môi trường mạng nên không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa DN XK với các đối tác. Điều đó dẫn tới rủi ro lớn nhất cho DN là không đảm bảo sự chắc chắn giữa hai bên.

Mặt khác, ở Việt Nam, theo VECOM, dịch vụ hỗ trợ mua hàng trên amazon có rất nhiều, nhưng hỗ trợ bán hàng cho amazon gần như vắng bóng. Thông tin về dịch vụ này gần như chưa xuất hiện tại Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam vẫn còn quá ít sự lựa chọn ra thị trường quốc tế, trong khi tiềm năng thương mại điện tử toàn cầu quá lớn lại không khai thác được. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất Việt Nam chưa chú trọng đúng mức tới kênh XK trực tuyến, trong khi chất lượng, hình thức, giá cả của nhiều sản phẩm trong nước lại chưa cạnh tranh được với sản phẩm tương tự của nhiều nước khác.

Nắm thông tin từ nhiều kênh

Trong bối cảnh internet ngày càng phát triển thì kinh doanh qua mạng là hình thức mà DN không thể bỏ qua, dù mô hình này vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn nhất định. Ông Hưng cho rằng, để khai thác tốt nhất hiệu quả sử dụng môi trường trực tuyến hỗ trợ XK, các nhà XK phải nâng cao nhận thức, đầu tư về công nghệ bao gồm cả công nghệ bảo mật… để giao dịch của mình được an toàn ở mức cao nhất.

Với rủi ro lớn nhất của bán hàng trực tuyến, ông Hưng cho rằng, muốn khai thác được hiệu quả của việc XK trực tuyến thì DN phải có những kênh khác nhau. Đó là, phải thông qua các cơ chế nhất định để đảm bảo chắc chắn mình đang làm việc là một đối tác thực, có uy tín. Điều đó có nghĩa là, DN phải dùng nhiều kênh khác nhau để kiểm tra chéo, để có độ tin cậy nhất định về đối tác mình giao dịch. Ví dụ như thông qua hệ thống các thương vụ nước ngoài của Bộ Công Thương, DN có thể trao đổi trực tuyến với các thương vụ và nhờ các thương vụ này giúp đỡ.

Ngoài vấn đề bảo mật, đề phòng rủi ro thì việc đáp ứng chất lượng, thị hiếu người tiêu dùng cũng là điều quan trọng mà DN cần lưu ý tới. Chẳng hạn như thị trường EU được biết đến là thị trường khó tính về yêu cầu chất lượng. Do đặc điểm này nên ông Andre khuyến nghị: “Thay vì chúng ta dành nhiều chi phí tốn kém để xây dựng thương hiệu của mình, tôi khuyến nghị chúng ta tập trung cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt nhất, thiết kế đẹp, hình ảnh bắt mắt giới thiệu trên website. Nhờ vậy, DN sẽ tạo ra được bảng xếp hạng sản phẩm tốt, các đánh giá sản phẩm tích cực từ người tiêu dùng. Từ đó, những người tiêu dùng khác sẽ sẵn sàng bỏ ra tiền mua sản phẩm này. Việc làm này giúp DN tiết kiệm được tiền từ quảng bá thương hiệu để tập trung xây dựng sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.

Trước thực tế dịch vụ hỗ trợ bán hàng trực tuyến còn hạn chế, đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, cần có các biện pháp giúp đỡ, khuyến khích thương nhân Việt Nam tăng cường các kênh bán lẻ trực tuyến sản phẩm trong nước cho khách hàng ở nước ngoài, coi đây là một kênh quan trọng thúc đẩy XK trong giai đoạn tới.

Với kinh nghiệm 8 năm trong lĩnh vực hỗ trợ DN XNK Việt Nam qua mô hình Alibaba, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ OSB – đại lý uỷ quyền của Alibaba tại Việt Nam cho hay, cạnh tranh trong lĩnh vực XK trực tuyến cũng rất khốc liệt, không thua kém XK truyền thống. DN Việt Nam gặp nhiều bất lợi nhưng chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ. Một số nước như Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, chính phủ hỗ trợ DN 50-70% phí tham gia làm thành viên của Alibaba, còn lại DN đóng góp. Còn ở Việt Nam thì không! Điều này tạo rào cản trong việc DN tham gia mô hình online. Chính vì thế, ông Toản cho rằng, sáng kiến thành lập liên minh hỗ trợ XK trực tuyến đã hình thành, thành viên gồm DN thương mại điện tử, ngân hàng, công ty logistics, bảo hiểm… với tiêu chí hình thành chuỗi hỗ trợ DN XNK Việt Nam trong tất cả các mảng, giúp DN có năng lực cạnh tranh tốt hơn cũng như tránh được các rủi ro không đáng có khi XK trực tuyến.
Phan Thu