Thiệt hại… không đếm xuể!
Trong hai ngày đầu tháng 8 vừa qua, Delta Airlines (DAL.N) – hãng hàng không lớn thứ hai nước Mỹ đã phải hủy hơn 1.600 chuyến bay, do sự cố mất điện toàn hệ thống.
Delta hiện là hãng hàng không thuộc Top 3 thế giới về số lượng hành khách chuyên chở mỗi năm, tần suất hoạt động trung bình khoảng 15.000 chuyến bay/ngày, với khoảng 550.000 hành khách/ngày được vận chuyển trong suốt mùa hè này.
Kate Modola, người phát ngôn Delta lý giải, nguyên nhân do một đám cháy nhỏ tại trung tâm công nghệ của hãng và Delta hệ thống đã không chuyển sang nguồn điện dự phòng như đã định, theo Reuters. Theo Bob Edwards, cựu Giám đốc Công nghệ thông tin của United Continental Holdings, mạng lưới máy tính phức tạp của Delta qua nhiều thập kỷ đòi hỏi phải đại tu toàn bộ, với khoản đầu tư khổng lồ. Ông Edwards cho rằng, chính “lỗ hổng” trong hệ thống máy tính của Delta Airlines trước đó, giờ trở nên ngày càng… trầm trọng là nguyên nhân dẫn đến sự cố trên.
Chuyên viên phân tích Jim Corridore của Công ty phân tích chứng khoán S&P Global Market ước tính, thu nhập của Delta Airlines trong quý III/2016 có thể giảm từ 10-20 triệu USD, bởi nó liên quan tới rất nhiều loại chi phí như: Hoàn phí cho khách hàng, giờ làm thêm của nhân viên và rất nhiều chi phí khác. Còn Dan McKenzie, nhà phân tích thuộc nhóm nghiên cứu tài chính Buckingham dự đoán lợi nhuận quý III của Delta có thể giảm tới 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý III/2015, Delta lợi nhuận ròng là 1,3 tỷ USD và doanh thu là 2,2 tỷ USD, theo Bloomberg.
Hệ thống của 4 hãng hàng không lớn gồm: American, Delta, United và Southwest chủ yếu chạy trên hệ điều hành đặc biệt của IBM có tên là “Transaction Processing Facility” (TPF), theo Reuters. Hệ thống này được thiết kế từ những năm 1960 của thế kỷ trước.
Trước đây, hãng United từng mất tới 6 tiếng để khôi phục từ một lần thử nghiệm tắt hệ thống do sự phức tạp của nhiều thành phần phụ trên nền TPF. Tháng 7/2016, hãng Southwest phải hủy hơn 2.000 chuyến bay cũng do sự cố hệ thống. Mùa hè năm 2015, có 2 sự cố gián đoạn hệ thống tại United Continental. Trong khi đó, Phó chủ tịch cấp cao IBM Tom Rosamilia vẫn khẳng định, TPF là một trong những hệ thống hiện đại, đáng tin cậy nhất trong cơ sở hạ tầng hàng không.
Vật lộn với hệ thống công nghệ lạc hậu
Sự cố hi hữu và nghiêm trọng của Delta đã “chính là hành động đánh thức ngành công nghiệp hàng không vốn đang… ngủ quên, với hệ thống thông tin lỗi thời có thể “bỏ rơi” hàng nghìn hành khách bất cứ lúc nào. Hãng hàng không có trụ sở ở Atlanta vốn dẫn đầu về sự tin cậy đã vấp ngã một cú khá nặng”, Bloomberg bình luận.
Giám đốc điều hành Gil West của Delta thẳng thắn nhận định: “Chúng ta đã thấy rõ sự bất ổn trong hệ thống máy tính”. Còn Tổng Giám đốc Delta, ông Ed Bastian cho hay, “Delta đã dành hàng trăm triệu USD nâng cấp hệ thống công nghệ và hệ thống sao lưu trong vòng 3 năm qua”. Thế nhưng, sự cố vẫn xảy ra. Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Theo nhà phân tích Mark Jaggers thuộc Công ty Nghiên cứu công nghệ Gartner Inc, Delta không phải là hãng hàng không duy nhất trên thế giới… vật lộn với hệ thống công nghệ lạc hậu. “Rất nhiều hãng phải “cắn răng” sống chung với hệ thống công nghệ vốn đã nên trở thành “di sản”. Họ không thể đóng cửa hay ngừng hoạt động, bởi guồng quay 24/7 kéo họ đi miết và là… lẽ sống của họ”, Jaggers bày tỏ. “Khi các hãng hàng không đã “vào guồng” và trở nên quan trọng với một lượng chuyến bay và khách hàng ổn định, việc dành thời gian để bảo trì hệ thống là một điều gì… xa xỉ”.
Scott Nason, cựu Giám đốc Công nghệ Thông tin Tập đoàn American Airlines nổi tiếng – hiện đang là một cố vấn độc lập, cho rằng, hầu hết các hãng hàng không tỏ ra ngại đầu tư hệ thống công nghệ, bởi họ “nóng lòng” muốn rút ngắn khoảng cách giữa hiệu quả và số tiền đầu tư.
Tuy nhiên, GS. Ahmed Abdelghany, Đại học Hàng không Embry-Riddle cho rằng, ngay bây giờ, các hãng hàng không đừng nên so đo các chi phí đầu tư công nghệ cho toàn bộ hệ thống của mình trong một vài thập niên, bởi nó quá nhỏ so với thiệt hại mà một hệ thống bị sập chỉ trong vài giờ gây ra, chưa kể danh tiếng của hãng hàng không đó cũng bị ảnh hưởng. “Đừng nên bàn về chi phí thiết lập hệ thống bởi vì nó nuôi sống bạn”, GS. Abdelghany nói.
Hương Mai