DB Schenker – Công ty logistics hàng đầu thế giới lên sàn vận tải

Trụ sở chính tại Essen, Đức, DB Schenker là một trong những công ty vận tải hàng đầu thế giới với hơn 2.000 văn phòng, 66.000 nhân viên, và doanh thu trên 17 tỷ USD (2015).

Vào tháng 7/2016, Schenker đã ra một quyết định táo bạo khi ký hợp đồng độc quyền trị giá hàng chục triệu USD với uShip – Sàn vận tải lớn nhất tại Châu Mỹ để phát triển “Drive4Schenker” một Sàn vận tải cho phép các Chủ xe tiếp cận được với các Chủ hàng có nhu cầu vận chuyển trên khắp Châu Âu.DB Schenker - Công ty logistics hàng đầu thế giới lên sàn vận tải

Lợi ích từ Sàn vận tải

uShip nổi tiếng là Sàn vận tải kết nối giữa các doanh nghiệp vận tải, các nhà môi giới, hay các công ty Logistics … (chủ xe) với các công ty thương mại điện tử, các nhà bán lẻ, nhà phân phối… (chủ hàng) để tạo thành một cộng đồng chia sẻ nguồn lực, kết hợp vận tải với nhiều ưu thế về chi phí cũng như uy tín.

Ngoài ra, Sàn vận tải này còn cung cấp các đánh giá thực tế từ người dùng, hệ thống đấu giá trực tuyến cùng với các ứng dụng theo dõi, quản lý trực tiếp trên từng chuyến. Sàn vận tải uShip cho phép các chủ hàng tiếp cận nhiều hơn các chủ xe tiềm năng, quản lý chi tiết từng chuyến, với giá cước tốt hơn và năng lực vận chuyển linh hoạt hơn.

Đó là những lợi ích không thể nào thuyết phục hơn để Schenker, một tập đoàn vận tải truyền thống quyết định đầu tư vào mảng thị trường vận tải trực tuyến đầy tiềm năng này.

DB Schenker - Công ty logistics hàng đầu thế giới lên sàn vận tải

“Sàn vận tải và sàn vận chuyển trực tuyến đang dần thay đổi phương pháp quản lý vận tải của chúng tôi “, Jochen Thewes, Giám đốc điều hành DB Schenker nói.”Đối với DB Schenker, tương lai của kinh doanh vận tải đường bộ là tự động hóa, tiêu chuẩn hóa và tham gia hiệu quả hơn với hàng ngàn đối tác vận tải, đặc biệt là thông qua các công cụ trực tuyến. Chúng tôi tin rằng một nền tảng Sàn vận chuyển trực tuyến sẽ giúp tập đoàn thay đổi và tái cấu trúc mô hình kinh doanh của mình”.

Sàn vận tải trực tuyến: Tương lai của Logistics

Điều phối hơn 25,000 xe và hàng ngàn đơn hàng trong nền tảng “Drive4Schenker” sẽ tạo một cuộc cách mạng về cung và cầu. Ưu thế công nghệ từ Sàn vận tải sẽ giúp kết nối Chủ hàng và Chủ xe với hiệu quả cao nhất qua các công cụ đấu giá trực tuyến, việc tự động xác nhận và thanh toán, theo dõi và thông báo liên tục qua điện thoại, và quan trọng hơn là đánh giá và chấm điểm các nhà cung cấp dịch vụ.

“Sàn vận tải trong tương lai sẽ đóng vai trò như một Hệ thống Quản lý Vận tải (TMS-Transport Management System) nhưng sẽ hiệu quả hơn nhiều vì mọi thứ sẽ được tự động hóa, rõ ràng hơn và luôn được truy cập ngay lập tức bằng điện thoại,” Matt Chasen, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập uShip cho hay. “Nghiên cứu cho thấy chỉ có một phần ba chủ hàng và chủ xe sử dụng hệ thống quản lý, có nghĩa là một phần lớn công việc hiện nay vẫn phải giải quyết qua giấy tờ, điện thoại, fax… Hợp tác với những tập đoàn lớn như DB Schenker sẽ cho phép Sàn vận chuyển phát huy năng lực và chứng minh hiệu quả của mình với quy mô lớn hơn.”

Kết luận

Như Giám đốc điều hành DB Schenker đã nói, Sàn vận tải nói riêng và các nền tảng kinh tế cộng đồng nói chung sẽ dần thay đổi các phương pháp quản lý vận tải hiện nay. Việt Nam cũng không chậm trễ khi đã triển khai rất nhiều các mô hình tương tự, và phần nào đạt được một số thành công nhất định.

Tham gia vào Sàn vận tải trực tuyến sẽ là một hướng đi đầy cơ hội của Schenker. Phải chăng đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam nên lấy đây là một bài học cho mình?