Sau tăng trưởng nóng, đóng tàu dự báo lao dốc

Trái ngược với sự phát triển nóng, làm không hết việc gần ba năm qua, thị trường đóng mới phương tiện thủy bắt đầu chững lại và có dấu hiệu lao dốc, thậm chí một số cơ sở đóng tàu lớn không còn đơn đặt hàng.

đóng tàu dự báo lao dốc

Gần ba năm hoàng kim

Theo giới đóng tàu và doanh nghiệp vận tải thủy giai đoạn từ năm 2014 đến nửa đầu năm 2016 chứng kiến sự phát triển bùng nổ của thị trường đóng mới tàu thủy. Đơn hàng tăng chưa từng có và tập trung vào tàu vận tải hàng hóa. Sự tăng trưởng chủ yếu diễn ra ở hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Tại các khu vực tập trung cơ sở đóng tàu như Nam Định, Hải Dương, Phú Thọ và các địa phương phía Nam đều có đơn hàng ổn định.

Chia sẻ về việc này, ông Bùi Tiến Huynh, chủ cơ sở đóng tàu ven sông Thái Bình đoạn qua TP Hải Dương cho biết, năm 2012, cơ sở của ông phải “đắp chiếu” một tàu đóng mới vì chủ tàu hết tiền và công nhân chơi dài vì hết việc. “Nhưng từ giữa năm 2014, mọi việc thay đổi chóng mặt, đơn hàng đến liên tiếp và công nhân làm ngày, làm đêm vẫn không đủ đáp ứng”, ông Huynh nói.

“Theo kinh nghiệm nhiều năm làm ở lĩnh vực này của tôi, sau khoảng ba năm có nhiều tàu đóng mới, đóng tàu thủy nội địa sẽ lại rơi vào chu kỳ giảm. Các cơ sở đóng tàu giờ nhiều hơn nên việc làm sẽ khó khăn hơn, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn.”

Ông Nguyễn Trung Thông
Giám đốc Công ty CP Công nghiệp đóng tàu Sông Lô

Cũng theo ông Huynh, các phương tiện đóng mới đều từ 500 tấn trở lên và có vài chiếc hơn 3.000 tấn để chạy tuyến ven biển, điều rất hiếm gặp trước đó. Thời điểm này, giá cả vật liệu xuống thấp, cộng thêm nguồn hàng ổn định và vay vốn ngân hàng khá thuận lợi nên các chủ hàng thi nhau đầu tư đóng phương tiện.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Thắng, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Công nghiệp đóng tàu Sông Lô cho biết, số lượng tàu được đóng mới gần ba năm qua tại đơn vị này tăng đột biến. Nhiều thời điểm công ty phải thuê thêm công nhân thời vụ để kịp thời hạn giao tàu cho khách hàng. Năm 2015, đơn vị đã đóng 22 tàu và nhận được đơn hàng đóng tiếp 16 chiếc khác, giúp người lao động có việc làm ổn định.

Theo Cục Đăng kiểm VN, số lượng phương tiện thủy đóng mới trên toàn quốc trong hai năm qua gần 4.500 chiếc, cho thấy sự tăng trưởng nóng của thị trường đóng tàu thủy. Ngoài số tàu truyền thống, còn có thêm các loại tàu có trọng tải lớn để chạy tuyến ven biển, tàu chở container, chuyên dùng cho các nhà máy điện, khu công nghiệp cũng được đóng mới.

Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm VN nhận định, sự tăng trưởng tàu đóng mới trong thời gian qua phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế, chủ trương tái cơ cấu vận tải, thúc đẩy vận tải đường thủy và kiểm soát chặt tải trọng đường bộ. Bên cạnh đó, yếu tố khác là giá vật liệu xuống thấp, giá thành đóng tàu hạ và chủ tàu dễ tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng.

Bắt đầu chu kỳ lao dốc?

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, ngành Đóng phương tiện thủy nội địa dường như đã hết thời kỳ tăng trưởng nóng. Một số cơ sở đóng tàu cho biết, từ tháng 8/2016 đơn hàng đặt đóng mới tàu bắt đầu ít dần và công việc chủ yếu là sửa chữa phương tiện.

Ông Nguyễn Trung Thông, Giám đốc Công ty CP Công nghiệp đóng tàu Sông Lô chia sẻ, từ tháng 7/2016 đơn vị chưa nhận được bất kỳ đơn hàng mới nào. Không chỉ công ty ông, đây cũng là tình trạng tương tự của nhiều cơ sở khác.

“Những năm gần đây, thị trường đóng tàu tăng quá nóng khiến các cơ sở đóng tàu cũng mở ra nhiều hơn. Năng suất lao động cao hơn nên mặt bằng giá thành đóng tàu cũng hạ”, ông Thông nói và cho biết, không ít cơ sở đóng tàu được hình thành tự phát, không đáp ứng các điều kiện cơ sở đóng tàu. Bên cạnh đó, các cơ sở này không thực hiện đúng những quy định liên quan đến lao động, nên đầu tư ít hơn, chi phí thấp hơn, sử dụng lao động thời vụ, không đóng bảo hiểm, nên giá thành đóng tàu thấp hơn, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Mặt khác, lãi suất ngân hàng tăng cũng khiến cho việc đầu tư tàu đóng mới bị giảm sút. Ông Thông cho rằng, tới đây các cơ quan chức năng cần có quy hoạch cơ sở đóng tàu để tránh tình trạng phát triển nóng và kiểm soát được các cơ sở không đáp ứng đủ các điều kiện để tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Trong khi đó, ông Trần Vĩnh Vũ, chủ cơ sở đóng tàu Hồng Vinh ở huyện Quế Võ, ven sông Cầu, Bắc Ninh cho biết, nhiều cơ sở đóng tàu đã trang bị các thiết bị mới giúp giảm giá thành, chẳng hạn như: Dùng túi khí để hạ thủy thay vì triền đà nên việc cạnh tranh sẽ khó khăn. Gần đây cơ sở của ông không nhận được đơn hàng mới, nên đành cho thuê mặt bằng để chủ tàu thuê thợ nơi khác đến sửa chữa định kỳ.

Theo ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm VN), số lượng thiết kế phương tiện đóng mới gần đây bắt đầu giảm cho thấy lĩnh vực này đã hết chu kỳ tăng trưởng nóng. Điều này phần nào phản ánh số lượng phương tiện thủyđã cơ bản đáp ứng cung – cầu vận tải trong giai đoạn hiện này.

“Việc tăng trưởng nóng hay giảm trong lĩnh vực đóng phương tiện thủy nội địa phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn từ ngân hàng. Đa số chủ tàu vay vốn để đóng tàu, nếu nguồn tiền dễ tiếp cận, lãi suất thấp, số lượng tàu đóng mới sẽ tăng nóng hoặc ngược lại. Quy hoạch cơ sở đóng tàu hoặc đội tàu chỉ có thể giúp kiểm soát chặt chẽ cơ sở, chất lượng đóng tàu, chứ không làm tăng hay giảm phương tiện đóng mới”, ông Học cho biết.

Hồng Xiêm
Theo Báo Giao Thông