ZERO LANDFILL: CON ĐƯỜNG “MÀU XANH” CHO DOANH NGHIỆP

Zero landfill là một trong những mô hình thông dụng nhất trong lĩnh vực kinh doanh và đặc biệt là ngành công nghiệp tái chế. Tuy nhiên hiệu quả do việc vận hành tốt mô hình này mang lại không chỉ nằm trong phạm vi một doanh nghiệp, tổ chức hay một lĩnh vực riêng biệt nào, mà là toàn xã hội. Do vậy trong bài viết này, tác giả sẽ lần lượt trình bày 2 gạch đầu dòng sau đây:

– Thế nào là một mô hình “Zero landfill”?

– Lợi ích của “Zero landfill”

Thế nào là một mô hình “Zero Landfill”?

Zero Landfill (hay Zero Waste) là một mô hình khép kín bao gồm việc hoạch định, tổ chức và quản lý nhiều hoạt động có liên quan đến việc tái sử dụng/tái chế một phần hoặc toàn bộ các sản phẩm đầu ra/nguyên vật liệu đầu vào sao cho lượng chất thải ra “bãi rác” là nhỏ nhất.

Với mỗi công ty khác nhau thì cách nhìn nhận và tổ chức mô hình cũng hoàn toàn khác nhau, ví dụ: nhà sản xuất A quan niệm “zero waste” là hạn chế tối đa việc lãng phí nguồn nguyên vật liệu nhưng nhà sản xuất B lại cho rằng “zero waste” là tối thiểu lượng hóa chất, khí thải độc hại được thải ra môi trường bên ngoài. Thật ra cả 2 suy nghĩ trên đều hợp tình, hợp lí và thỏa mãn đúng “cấu trúc” về định nghĩa và bản chất của 1 mô hình Zero Landfill:

“Hạn chế/tối thiểu/tối đa …(A)… sao cho lượng chất thải ra “bãi rác” là nhỏ nhất để…(B)…”.

Trong đó:

(A) là đối tượng bị/được áp dụng trong mô hình (nguyên vật liệu, tồn kho, rác thải,…);

(B) là mục tiêu cụ thể gắng với doanh nghiệp, xã hội (liên quan đến chi phí, giá cả, lợi nhuận, hiệu quả sản xuất, thậm chí là môi trường sống, xã hội,…).

Lợi ích của “Zero Landfill”

Phải công nhận rằng tốc độ gia tăng dân số thế giới và nguồn tài nguyên hiện tại có mối tương quan nghịch, do vậy việc triển khai tốt một mô hình “Zero Landfill” càng có ý nghĩa to lớn nhờ hiệu quả do nó mang lại cho từng doanh nghiệp riêng lẻ đến môi trường xã hội toàn cầu.

Đối với doanh nghiệp:

+ Tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu: việc “không bỏ sót” nguồn nguyên liệu ban đầu hoặc tái sử dụng chúng sau sản xuất giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí so với khi mua mới hoàn toàn. Đầu năm 2015, đại diện Unilever cho hay hãng đặt mục tiêu số tiền tiết kiệm nếu triển khai mô hình “zero landfill” trong năm nay là 200 triệu Euro (150 triệu Bảng Anh).

+ Rút ngắn thời gian sản xuất: nhiều nhà máy tái sử dụng ngay nguyên liệu thừa vừa phát sinh ngay trong các khâu sản xuất, đỡ phải mất thời gian chờ đợi, di chuyển nguồn từ bên ngoài.

+ Cải thiện chất lượng sản phẩm tốt hơn: phối hợp hai hay nhiều nguồn vật liệu phế thải nhiều khả năng mang lại hiệu quả to lớn cho doanh nghiệp, thậm chí cả một ngành lớn nhờ vào việc phát huy, nâng cao, bổ sung thêm nhiều tính năng mới, nâng cao chất lượng của sản phẩm hiện có trong kho. Năm 2013, Giáo sư Veena Sahajwalla (thuộc trường Đại học New South Wales-Sydney) đã nghiên cứu thành công việc sử dụng vỏ bánh xe ô tô và nhựa phế thải để nâng hiệu suất trong luyện thép. Công nghệ mới này đã được một công ty sản xuất thép của Úc phát triển và đưa vào ứng dụng trong sản xuất,…

+ Củng cố hình ảnh thương hiệu: xét về giác độ Marketing thì việc tận dụng hiệu quả và sáng tạo nguồn hàng hỏng, tồn kho có thể giúp cho người tiêu dùng đến gần với thương hiệu của bạn hơn. Cũng trong năm 2013, công ty bán lẻ H&M (Thụy Điển) rất thành công khi thực hiện ý tưởng mang tên I:Co (I Collect), kế hoạch bắt đầu bằng việc thu gom…quần áo cũ đã qua sử dụng (truyền tay) của những người có lòng hảo tâm để “chế biến” lại thành những bộ quần áo mới dành tặng cho người nghèo trong thành phố hoặc thiết kế thành các loại túi đựng thiết bị điện tử,…

Đối với xã hội: khi vật liệu thải được khai thác hiệu quả thì một loạt các vấn đề như lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường cũng suy giảm theo. Và chắc chắn ai cũng đều biết đến tác động tích của môi trường sinh thái đến cuộc sống con người như thế nào.

Rõ ràng có thể thấy một chiến lược “Zero Landfill” hội tụ đủ 3 mục tiêu quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào từ khi thành lập cũng xác định được, đó là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội. Đó là lí do tại sao hiện nay rất nhiều công ty, tập đoàn lớn trên Thế giới đã, đang và sẽ hướng về con đường “màu xanh” mang tên “Zero Landfill”/ “Zero Waste” này; Honda, Unilever, Walmart hay General Motors là những ví dụ điển hình.

 

Lê Tuấn Anh

(Sinh viên Khoa Kinh tế đối ngoại

Trường ĐH Kinh tế-Luật ĐHQG TP HCM)