Bảo Hiểm Hàng Hóa Vận Tải – Những Kiến Thức Cần Biết (P2)

Bảo Hiểm Hàng Hóa Vận Tải là một trong những điều kiện mang tính sống còn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Logistics,… nó giúp doanh nghiệp có thể phòng ngừa rủi ro, thiệt hại cho tài sản của doanh nghiệp. Trong bài viết này, tác giả muốn đề cập đến khái niệm về rủi ro, tổn thất do những rủi ro gây ra (đặc biệt là lĩnh vực tổn thất chung và cách phân chia đóng góp vào tổn thất chung)

Bảo Hiểm Hàng Hóa Vận Tải

Rủi ro là gì?

Rủi ro là những sự cố ngẫu nhiên, bất ngờ, là những mối đe dọa nguy hiểm mà khi xảy ra thì gây tổn thất cho đối tượng bảo hiểm

Rủi ro có thể do các nguyên nhân:

– Thiên tai: là những hiện tượng do thiên nhiên gây nên như biển động, bão, gió lốc, sét đánh,…
– Tai nạn bất ngờ ngoài biển: tàu bị mắc cạn, bị đắm, đâm phải đá ngầm, bị mất tích, bị cháy, nổ,…
– Tai nạn bất ngờ và các nguyên nhân khách quan khác: hàng bị đổ vỡ, thiếu hụt, rò rỉ, mất trộm,…
– Do các hiện tượng xã hội gây ra như chiến tranh, đình công, bạo động, bắt giữ,…
– Do bản chất của hàng hóa như nội tỳ hoặc ẩn tỳ

Nguyên tắc là: “không có rủi ro thì không có bảo hiểm”, bởi thế bảo hiểm định nghĩa rủi ro là “sự không chắc chắn về tổn thất”. Vì vậy, cần hiểu rằng tổn thất nào chắc chắn xảy ra thì không có rủi ro.

Khi xem xét các rủi ro gây nên tổn thất, người ta cần đặc biệt quan tâm đến những “nguy cơ”. Nguy cơ ở đây có thể hiểu là điều kiện cấu tạo khả năng làm gia tăng tổn thất cho một hiểm họa nào đó. Chẳng hạn, việc bất cẩn trong quản lý, tàu chở hàng quá trọng tải, xa lộ xấu, máy móc không có người coi giữ,… là những nguy cơ.

      • Nguy cơ vật chất: là yếu tố khách quan làm gia tăng tổn thất, như sản xuất thuốc súng là một nguy cơ vật chất vì làm gia tăng tổn thất về cháy nổ.
      • Nguy cơ đạo đức: là do ý thức chủ quan của người được bảo hiểm như không lương thiện (manh động) gây ra.
      • Nguy cơ tinh thần: người được bảo hiểm không cần mẫn, lơ là trong việc bảo vệ tài sản.

Phân loại rủi ro

Bảo Hiểm Hàng Hóa Vận Tải

  1. Rủi ro được bảo hiểm: là những rủi ro xảy ra một cách ngẫu nhiên, bất ngờ ngoài ý muốn của con người như thiên tai, tai nạn bất ngờ ngoài biển, chiến tranh, đình công… Các rủi ro này còn gọi là “hiểm họa được bảo hiểm”.
  2. Rủi ro không được bảo hiểm: là những rủi ro xảy ra có tính chất đương nhiên, chắc chắn, hoặc do lỗi của người được bảo hiểm như hao mòn tự nhiên, hao hụt tự nhiên, do bản chất của hàng hóa, do bao bì không đầy đủ, do hành động xấu của người được bảo hiểm, những tổn thất mà nguyên nhân trực tiếp là chậm trễ,…. Ngoài ra, còn có các rủi ro loại trừ như do các vụ nổ hạt nhân, nguyên tử, sử dụng chất phóng xạ.

Trong hoạt động hàng hải, các rủi ro được bảo hiểm có thể tóm tắt thành những loại sau:

– Mắc cạn (grounding)
– Chìm đắm và lật úp (sinking and capsize)
– Cháy, nổ (fire, explosion): không bao gồm cháy do nổ nồi hơi hoặc do “chất”
– Đâm va (collision)
– Vứt bỏ xuống biển (jettisons)
– Manh động (barratry)
– Mất cắp hàng, giao thiếu hàng hoặc không giao hàng (theft, shortage or non-delivery)
– Tàu mất tích (missing ship)

Tổn thất là gì?

Tổn thất (loss/damage): là những hư hỏng, thiệt hại, mất mát của đối tượng bảo hiểm do các rủi ro gây ra.

Tổn thất được phân loại như thế nào?

Căn cứ vào mức độ tổn thất, người ta chia ra làm 02 loại là tổn thất bộ phận và tổn thất toàn bộ.

  1. Tổn thất toàn bộ (total loss): Theo điều 56 (2) của Đạo luật bảo hiểm Anh (Maritime Insurance 1906), tổn thất toàn bộ có thể là một tổn thất toàn bộ thực tế (actual total loss) hay một tổn thất toàn bộ ước tính (constructive total loss).

Ví dụ: một tàu chở phân bón (loại hàng rời) gặp bão và nước tràn vào làm toàn bộ số phân bón bị hỏng hoàn toàn giảm giá thương mại 100% còn 0 usd/T. Đây là tổn thất toàn bộ.

Tổn thất toàn bộ thực tế: có nghĩa là đối tượng bảo hiểm bị hư hỏng, bị mất không thể lấy lại được nữa hay giảm giá trị thương mại 100%. Những trường hợp cụ thể là:

      1. Đối tượng bảo hiểm bị phá hủy hoàn toàn như cháy, nổ, đắm tàu;
      2. Đối tượng bảo hiểm bị tước đoạt không thể lấy lại được nữa;
      3. Đối tượng bị hư hại đến mức không thể sử dụng được nữa;
      4. Tàu và hàng bị mất tích.

Tổn thất toàn bộ ước tính: là trường hợp đối tượng bảo hiểm bị tổn thất chưa tới mức toàn bộ, nhưng đối tượng bảo hiểm bị từ bỏ một cách hợp lý vì xét thấy tổn thất toàn bộ thực sự là không thể tránh khỏi hoặc phải bỏ ra một khoản chi phí cứu vớt lớn hơn giá trị đối tượng ấy.

Trong thực tế thường xảy ra các trường hợp tàu vận chuyển lương thực, thực phẩm bị tai nạn dọc đường, hàng bị ướt và bắt đầu hỏng, nếu cứ tiếp tục hành trình tới cảng đích thì chắc chắn hàng sẽ hỏng hết và sẽ trở thành tổn thất toàn bộ thực sự; hoặc tàu bị đắm, mắc cạn chi phí dỡ hàng sang tàu khác và vận chuyển tiếp sẽ vượt quá giá trị hàng. Như vậy, về mặt tài chính sẽ không có lợi cho chủ hàng lẫn người bảo hiểm. Bởi vậy, luật pháp quốc tế đều coi những trường hợp này là tổn thất toàn bộ nếu người được bảo hiểm từ bỏ đối tượng bảo hiểm. Như thế, muốn được coi là tổn thất toàn bộ ước tính thì phải có hành động từ bỏ hàng. Từ bỏ hàng (abandonment) là hành động của người được bảo hiểm tuyên bố từ bỏ mọi quyền lợi của mình đối với đối tượng bảo hiểm để được bồi thường toàn bộ nếu tổn thất toàn bộ ấy là không thể tránh khỏi hoặc việc khắc phục tổn thất đó sẽ gây ra các chi phí cao hơn giá trị của đối tượng bảo hiểm.

Quyền từ bỏ đối tượng bảo hiểm có thể được áp dụng trong trường hợp tàu biển bị mất tích, bị chiếm đoạt, bị hư hại do tai nạn mà không thể sửa chữa hoặc chi phí sửa chữa, phục hồi, chuộc lại tàu là không có hiệu quả kinh tế. Quyền từ bỏ đối tượng bảo hiểm là hàng hóa được áp dụng khi chi phí cứu vớt, vận chuyển đến cảng đích vượt quá giá trị thị trường của hàng hóa đó.

Khi từ bỏ hàng, quyền định đoạt, sở hữu đối tượng bảo hiểm sẽ chuyển sang người bảo hiểm. Muốn từ bỏ hàng, người được bảo hiểm phải làm thông báo từ bỏ hàng bằng văn bản gửi cho người bảo hiểm trong thời gian hợp lý nhưng không quá 180 ngày, kể từ ngày người được bảo hiểm biết về các sự kiện làm căn cứ áp dụng quyền từ bỏ hoặc 60 ngày, kể từ ngày hết hạn bảo hiểm trong các trường hợp tàu hoặc hàng hóa bị cưỡng đoạt, chiếm giữ. Sau thời hạn nói trên, người được bảo hiểm sẽ mất quyền từ bỏ hàng.

Trong thời gian 30 ngày kể từ khi nhận được tuyên bố từ bỏ, người bảo hiểm có nghĩa vụ thông báo cho người được bảo hiểm biết là có chấp nhận hay không. Nếu quá thời hạn này, người bảo hiểm sẽ mất quyền từ chối.

Khi việc thông báo từ bỏ hàng được thực hiện đúng qui định mà người bảo hiểm không chấp nhận thì người được bảo hiểm vẫn có quyền đòi bồi thường theo mức độ thực tế.

  1. Tổn thất bộ phận (Partial Loss): là một phần đối tượng bảo hiểm bị tổn thất, mất mát, hư hỏng. Tổn thất này có thể xảy ra về trọng lượng, số lượng, phẩm chất.

Ví dụ: Một tàu chở gạo gặp bão và bị ướt 10T. Do vậy, số gạo bị ướt giảm giá thương mại một phần tổn thất bộ phận

Căn cứ vào nguyên nhân gây nên tổn thất, chia ra:

  1. Tổn thất riêng (Particular Average): là tổn thất của đối tượng bảo hiểm do một rủi ro ngẫu nhiên, bất ngờ gây ra. Tổn thất riêng có thể là tổn thất bộ phận hoặc toàn bộ.

Chi phí riêng (Particular Charges): là những chi phí do người được bảo hiểm hay đại lý của họ phải chi ra để duy trì và bảo đảm an toàn cho hàng hóa như thay thế bao bì, đóng gói lại, xếp dỡ, lưu kho… sau khi gặp tai nạn. Chi phí này sẽ được bảo hiểm bồi thường nếu rủi ro gây nên tổn thất nằm trong phạm vị được bảo hiểm.

Bảo Hiểm Hàng Hóa Vận Tải

  1. Tổn thất chung (General Average): là những hy sinh hay chi phí bất thường được thực hiện một cách có chủ tâm và hợp lý vì sự an toàn chung nhằm cứu tàu, hàng hóa và cước phí thoát khỏi một sự nguy hiểm chung và thực sự đối với chúng.

Ví dụ: Tàu chở hàng bị đâm vào đá ngầm làm cho vỏ tàu bị thủng, nước tràn vào hầm hàng dẫn đến nguy cơ tàu bị chìm. Thuyền trưởng phải quyết định ném bớt một số hàng xuống biển để tàu khỏi bị chìm, đồng thời cho tàu chạy vào một cảng gần đó để khắc phục hậu quả của tai nạn. Tổn thất về hàng hóa bị ném xuống biển cũng như các chi phí phát sinh tại cảng lánh nạn được gọi là tổn thất chung.

Gọi là tổn thất chung vì một hay một số quyền lợi đã hy sinh để đảm bảo an toàn chung cho nhiều quyền lợi khác trong hành trình. Bởi vậy, tất cả các quyền lợi trong hành trình phải có nghĩa vụ đóng góp vào sự hy sinh đó. Như vậy, muốn có tổn thất chung thì phải có hành động tổn thất chung. Có hành đông tổn thất chung khi và chỉ khi có sự hy sinh hay chi phí bất thường nào được thực hiện một cách có chủ tâm và hợp lý, vì an toàn chung, nhằm mục đích bảo vệ tài sản có liên quan đến một phiêu trình hàng hải thông thường thoát khỏi hiểm họa.

Một hành động, một tổn thất hoặc một chi phí muốn được coi là tổn thất chung phải có các đặc trưng sau đây:

  1. Hành động tổn thất chung phải là hành động tự nguyện, hữu ý của thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu;
  2. Hy sinh hay chi phí phải đặc biệt, phi thường;
  3. Hy sinh, chi phí phải hợp lý và vì an toàn chung cho tất cả các quyền lợi trong hành trình;
  4. Tai họa phải thực sự xảy ra và nghiêm trọng;
  5. Mất mát, thiệt hại hoặc chi phí phải là hậu quả trực tiếp của hành động tổn thất chung.

Tổn thất chung bao gồm hy sinh tổn thất chung và chi phí tổn thất chung:

  1. Hy sinh tổn thất chung (General Average Sacrifice): là những thiệt hại, mất mát do hành động tổn thất chung trực tiếp gây ra như ném hàng, dụng cụ xuống biển, chặt đứt dây neo…
  2. Chi phí tổn thất chung (General Average Expenditures): là những chi phí phát sinh do hành động tổn thất chung như chi phí ra vào cảng lánh nạn, chi phí xếp dỡ, lưu kho hàng hóa hay chi phí sửa chữa tạm thời của tàu…

Tổn thất chung sẽ được phân bổ cho các quyền lợi được cứu trng hành trình chung (trong quá trình vận chuyển chung)

Bước 1: Xác định Tổn thất riêng, Tổn thất chung tổng Tổn thất chung.

Xác định giá trị tổn thất chung tức là xác định giá trị của tài sản bị hy sinh và các chi phí phát sinh từ hành động tổn thất chung.

Giá trị hy sinh tổn thất chung của hàng hóa là mức giảm giá trị của hàng hóa tại thời điểm dỡ hàng hoặc giá trị của lượng hàng tốt bị thiếu hụt, mất mát (sau khi đã trừ đi phần giá trị tổn thất riêng của hàng hóa trước khi xảy ra tổn thất chung).

Trong trường hợp không thể xác định mức độ tổn thất bằng thỏa thuận thì giá trị tổn thất của hàng hóa sẽ được xác định bằng số tiền chênh lệch giữa giá hàng tốt và giá hàng bán thanh lý (sau khi đã trừ giá trị tổn thất riêng của hàng hóa trước khi xảy ra tổn thất chung)

Giá trị tổn thất của tàu, máy móc, trang thiết bị trong hy sinh tổn thất chung được xác định như sau:

1) Khi sửa chữa hay thay thế, là chi phí hợp lý khi sửa chữa hay thay thế tổn hại ấy, và bị khấu trừ theo qui định.

2) Khi không sửa chữa hay thay thế, là khoản giảm giá trị hợp lý của tàu do hy sinh tổn thất chung, nhưng không vượt quá giá sửa chữa ước tính. Nếu tàu bị tổn thất toàn bộ thực tế hoặc phí tổn sửa chữa vượt quá giá trị tàu sau khi đã sửa chữa, số tiền tổn thất chung là khoản chênh lệch giữa giá trị ước tính của tàu lúc nguyên lành sau khi khấu trừ phí tổn sửa chữa ước tính cho phần tổn hại không phải là tổn thất chung và giá trị tàu trong tình trạng bị tổn hạn (có thể tính theo giá bán thực).

Bước 2: Tính giá trị đóng góp – GTĐG

Giá trị đóng góp tổn thất chung (còn gọi là giá trị chịu phân bổ) là giá trị của tất cả các quyền lợi có mặt trên hành trình ngay trước khi xảy ra hành động tổn thất chung. Các tổn thất riêng xảy ra trước khi có hành động tổn thất chung không phải chịu phân bổ, nhưng các tổn thất riêng xảy ra sau đó thì phải chịu trách nhiệm đóng góp. Những hàng hóa đã được dỡ khỏi tàu trước khi có hành động tổn thất chung hoặc được xếp lên tàu sau hành động tổn thất chung thì không phải tham gia đóng góp. Hàng hóa khai man hay không khai thì không được tính vào tổn thất chung nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm đóng góp. Hàng hóa xếp lên tàu có giá trị khai báo thấp hơn giá trị thực thì giá trị tổn thất chung được xác định theo giá trị khai báo nhưng số hàng ấy sẽ đóng góp tổn thất chung theo giá trị thực của nó.

GTĐGi = GTBĐi – TTRi

Bước 3: Tính tỷ lệ đóng góp (K)

K = T.TTC/T.GTĐG * 100%

Bước 4: Tính số tiền đóng góp STĐGi = K*GTĐGi

Ví dụ: Một tàu chở hàng, trong hành trình bị đâm vào đá ngầm, thân tàu bị thủng và nước biển tràn vào hầm hàng làm cho một phần hàng hóa chứa trong hầm này bị hỏng, đồng thời tàu có nguy cơ bị chìm. Thuyền trưởng quyết định vứt bới một số hàng khác xuống biển cho tàu nhẹ bớt và cho tàu chạy vào một cảng gần đó để khắc phục hậu quả tại nạn. Những tổn thất và chi phí phát sinh như sau:

Tổn thất riêng:

+ Tổn thất riêng của tàu: thủng thân tàu do tai nạn trị giá 80.000 USD.

+ Tổn thất riêng của hàng: hư hỏng hàng do nước tràn vào hầm tàu trị giá 20.000 USD.

Tổn thất chung được chấp nhận:

+ Hy sinh tổn thất chung của hàng: trị giá hàng ném xuống biển là 30.000 USD.

+ Chi phí tổn thất chung: chi phí tàu đã chi trả tại cảng lánh nạn là 10.000 USD.

Biết: giá trị tàu: 2.000 000 USD, giá trị hàng chở trên tàu: 100.000 USD.

Giải:

Bước 1: Xác định giá trị tổn thất chung (TTC)

TTC = Hy sinh TTC + Chi phí TTC = 30.000 + 10.000 = 40.000

Bước 2: Xác định giá trị đóng góp tổn thất chung (GTĐG)

GTĐG = GTĐG của tàu + GTĐG của hàng

     = (2.000.000 – 80.000) + (100.000 – 20.000)

     =   1.920.000   +   80.000 = 2.000.000 USD

Bước 3: Tính tỷ lệ đóng góp tổn thất chung (k)
k = TTC/GTĐG = 40.000/2.000.000 = 0,02

Bước 4: Tính tiền đóng góp cho quỹ tổn thất chung

Tàu phải đóng góp:
k * GTĐG của tàu = 0,02 * 1.920.000 = 38.400 USD

Hàng phải đóng góp:
k * GTĐG của hàng = 0,02 * 80.000 = 1.600 USD

Xem thêm tại:
Bảo Hiểm Hàng Hóa Vận Tải – Những Kiến Thức Cần Biết (P1)

 

CEO TDgroup – THS. Mai Văn Thành
(bài viết có sử dụng tài liệu về Bảo hiểm hàng hóa vận tải của TS. Nguyễn Văn Khoảng – Trưởng khoa Khoa KTVT trường GTVT TP.HCM)

[BẢO TRỢ TRUYỀN THÔNG] KHÓA HỌC NGHIỆP VỤ KINH DOANH XUẤT NHẬP KHẨU – TDGROUP